TTTĐ - Trong thời gian gần đây, mạng xã hội đang lan truyền một thuật ngữ dùng để mô tả một loại công việc cho phép người trẻ đạt được mục tiêu cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đó là thuật ngữ “lazy-girl job”. Thuật ngữ này đang khuyến khích người trẻ tuổi sống một cuộc đời có ý nghĩa mỗi ngày thay vì chỉ được “xả hơi” vào cuối tuần hoặc một ngày nào đó trong tương lai.

Không phải chỉ phái nữ chọn “lười biếng”

Theo một nghiên cứu của Google tháng 6/2023, cứ 10 người lao động trẻ ở Việt Nam thì có 5 người nói họ đang nỗ lực ít hơn mức tối đa. Khảo sát này thực hiện với sự tham gia của hơn 10.000 người trưởng thành đang đi làm. Lý do đang khiến họ cảm thấy “chán nản” nhất chính là văn hoá nơi làm việc.

Trên các nền tảng mạng xã hội, không ít nam giới trong độ tuổi đi làm đã chia sẻ về những mặt trái trong công việc của họ. Họ phàn nàn về việc sếp khó tính, lương thấp và cảm thấy có lỗi khi nghỉ phép.

Trần Minh Hoàng (30 tuổi), một quản lý nhân sự trong lĩnh vực marketing cho biết anh không phản đối việc đi làm nhưng nhận thấy văn hoá làm việc liên tục đang khá “độc hại”. Hơn nữa, anh Hoàng không nghĩ rằng “lazy-girl” là lười biếng.

“Đại dịch đã “đưa đẩy” chúng ta đến với những công việc từ xa. Với giờ làm việc linh hoạt, mọi người sẽ có nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Điều đó có nghĩa là bất kỳ độ tuổi hay ngành nghề nào, chúng ta đều có thể lựa chọn làm người “lười biếng” nếu không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung”, anh Hoàng chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên - một người từng dành khá nhiều thời gian nghiên cứu về xu hướng làm việc của giới trẻ cho rằng, từ “lazy” (lười biếng) trong cụm từ lazy-girl nhằm mô tả trạng thái trái ngược với sự hối hả của môi trường công việc truyền thống. Điều này không có nghĩa rằng những người làm công việc thuộc nhóm này là những người không có động lực hoặc không làm việc chăm chỉ.

“Quan điểm này phù hợp với đối tượng là những người trẻ tuổi hơn là những người đã có nhiều kinh nghiệm trong một nghề nghiệp cố định. Điều quan trọng nhất cần nhớ khi quyết định con đường phù hợp với bạn là biết ưu tiên của bạn là gì. Nếu bạn là người có mục tiêu và thích phát triển trong môi trường áp lực cao, thì một công việc đầy thử thách có thể phù hợp với bạn.

Mặt khác, nếu bạn là người coi công việc như một phương tiện để kết nối xã hội, để tránh việc quá rảnh rỗi... hoặc bạn không phải lo toan quá nhiều về chi phí sinh hoạt... thì “lazy-girl job” không phải là một lựa chọn tồi.

Mỗi chúng ta đều có vai trò trong bất kỳ công việc nào chúng ta làm và trong thời đại mà các cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần diễn ra gay gắt, điều quan trọng là mọi người phải nhận ra rằng thành công cuối cùng là những gì khiến chúng ta thật sự hài lòng. Cho dù đó là “lazy-girl job” hay bất kỳ công việc nào khác, thì cuối cùng việc chúng ta khỏe mạnh, hạnh phúc mới là quan trọng nhất”, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên chia sẻ.

Làm việc tại nhà nghe có vẻ giống như một giấc mơ: ngủ muộn hơn, mặc trang phục thoải mái, ăn uống bất cứ lúc nào... Nhưng bạn cũng dễ dàng rơi vào trạng thái lười biếng, kết quả công việc bị đình trệ. Để ''vượt lười'' khi WFH, bước đầu tiên là tìm ra gốc rễ của vấn đề.

Một số lý do phổ biến nhất khiến bạn lười biếng hơn khi WFH

Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất khiến bạn lười biếng hơn khi WFH. Thử ngay các giải pháp của CareerViet để đảm bảo năng suất và hiệu quả công việc nhé.

Lý do 1: Bạn vẫn đang mặc đồ ngủ Chắc hẳn rất nhiều người mặc nguyên bộ quần áo ngủ xuề xòa ngồi trước máy tính khi làm việc tại nhà. Đồ ngủ rõ ràng khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn so với trang phục công sở, nhưng nó có thể tác động xấu đến động lực làm việc.

Sau khi thức dậy, nếu không bận tâm đến việc thay quần áo hay đánh răng rửa mặt, bạn sẽ kéo tâm trạng lờ đờ uể oải từ giường ngủ sang bàn làm việc. Nói cách khác, bạn đã “sai ngay từ khi bắt đầu” vì tâm trạng uể oải đó có thể bám lấy bạn cả ngày.

Giải pháp: Giữ thói quen chuẩn bị vào buổi sáng như hồi còn đến văn phòng. Không cần ăn diện, nhưng hãy dành vài phút để vệ sinh cá nhân, chải đầu, mặc quần áo chỉnh tề cũng như ăn sáng đàng hoàng. Những hành động này sẽ bật “chế độ làm việc” cho não bộ, đồng thời, tạo nên một chu trình buổi sáng lành mạnh, hiệu quả.

Lý do 2: Bạn ‘dính chặt’ vào ghế Trong thời kỳ giãn cách xã hội, chúng ta có thể ngồi trong phòng kín cả ngày lẫn đêm, chẳng mấy khi đứng dậy thay đổi môi trường. Nếu bạn đã nhìn chằm chằm vào cùng một bức tường trong nhiều ngày, tâm trí bạn rất có thể bắt đầu ‘đóng băng’ và năng lượng dần cạn kiệt.

Giải pháp: Rõ ràng chúng ta cần hạn chế ra ngoài trong thời điểm này, nhưng bạn vẫn có thể đứng dậy và ra lan can, lên sân thượng hít thở không khí hoặc vào bếp pha trà… Thậm chí, chúng ta không nhất thiết phải ngồi một chỗ gõ máy tính trong suốt thời kỳ WFH. Nếu có thể, thử chuyển sang phòng khách, phòng bếp, ban công... để ‘đổi gió’. Chỉ một thay đổi nhỏ về không gian cũng có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu trong việc tăng động lực, thúc đẩy sự sáng tạo.

Thay đổi nhỏ về không gian cũng có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu trong công việc

Lý do 3: Bạn kiệt sức Có thể không phải bạn “lười” như bạn tưởng. Trên thực tế, có lẽ bạn đã ‘cày’ quá nhiều và giờ cơ thể đang “đình công”.

Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người lao động WFH hiệu quả hơn nhiều so với những người làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, một người chỉ có thể duy trì năng suất tối đa trong khoảng thời gian nhất định, và sau đó, năng suất sẽ ‘tụt dốc’. Sau nhiều ngày làm việc quên giờ giấc, có thể bạn muốn bò lên giường và nằm ì cả ngày vì đã quá mệt mỏi.

Giải pháp: Ai cũng xứng đáng được nghỉ ngơi. Cho dù đang WFH, bạn vẫn nên bám sát các khung giờ nghỉ giữa giờ, nghỉ trưa, tan làm. Ngoài ra, đừng thức đêm để ‘cày phim’ hay chơi game vì nghĩ mình có thể dậy muộn hơn vào sáng hôm sau. Nhớ rằng ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi thường xuyên giúp trí não và cơ thể sạc lại năng lượng và hoạt động tốt hơn.

Lý do 4: Bạn bị phân tâm Khi WFH, chúng ta không còn phải đối mặt với những phiền nhiễu nơi công sở: Không còn đồng nghiệp nào nói chuyện điện thoại quá to, không còn ‘bà tám’ nào đột nhiên tiến đến và buôn chuyện không đâu.

Nhưng điều đó không có nghĩa là môi trường WFH ‘sạch’ phiền nhiễu. Sự thật là có rất nhiều yếu tố gây xao lãng, ví dụ như việc nhà và các loại tiếng ồn. Thật khó để tập trung vào công việc nếu bạn có một đống việc nhà ‘đè lên đầu’, ví dụ như rửa bát, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, chăm sóc con cái... Chưa kể, những người sống trong hộ gia đình đông đúc sẽ bị vô số tiếng ồn làm phiền: tiếng TV, máy giặt, tiếng trẻ em, vật nuôi…

Môi trường WFH có rất nhiều yếu tố gây xao lãng

Giải pháp: Nên chia sẻ công việc nhà với các thành viên khác trong gia đình. Nếu phần việc của bạn có thể tập trung hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn hợp lý (30 phút chẳng hạn), thì hãy xắn tay giải quyết ngay khi có thể. Điều đó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với mỗi lúc lại làm lẻ tẻ từng việc vặt hoặc để chúng dồn đống vào cuối ngày. Đối với tiếng ồn, giải pháp là tìm nơi yên tĩnh và kín đáo để làm việc, đồng thời, thông báo cho các thành viên trong gia đình giờ làm việc của bạn để họ tránh làm phiền.

Kết Khi WFH, ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân trở nên mờ nhạt. Bạn sẽ khó ‘triệu hồi’ động lực làm việc và đam mê nghề nghiệp hơn khi ngồi cách giường chỉ vài bước chân. Nhưng với những giải pháp trên, hy vọng bạn sẽ giải quyết được vấn đề của mình và đem lại luồng năng lượng mới cho bản thân.

Sau những phút thoải mái, tự do ban đầu, làm việc tại nhà trong một thời gian dài, tôi dần stress, uể oải, mất động lực phấn đấu.

Khi cả nước bắt đầu mở cửa trở lại, các doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, câu hỏi "nên tiếp tục làm việc từ xa hay quay lại văn phòng?" cũng trở thành chủ đề được đưa ra tranh luận. Thời gian qua, tôi thấy có nhiều bài viết nói về những lợi ích của làm việc từ xa, cụ thể là tại nhà trong mùa dịch, ngay cả khi đợt bùng dịch đã tạm qua đi. Có thể kể đến một vài ưu điểm nổi bật thường được nêu ra như: thoải mái về giờ giấc, tiết kiệm chi phí đi lại, nâng cao sức khỏe, tăng tính chủ động trong công việc, cân bằng được công việc và cuộc sống...

Tôi không hề phủ nhận những mặt tích cực đó của phương pháp làm việc tại nhà, đặc biệt là trong bối cảnh bình thường mới và thế giới bắt đầu thay đổi những quan điểm về xu hướng làm việc mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể phủ nhận hoàn toàn những tính ưu việt của phương thức làm việc truyền thống tại văn phòng. Thế nên, trong phạm vi bài viết này, tôi xin tập trung vào những lợi ích của làm việc tập trung, hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn một cái nhìn cân bằng và lựa chọn cho mình được một phương thức làm việc phù hợp nhất với nhu cầu và tính chất công việc của bản thân.

Tôi là một nhân viên văn phòng đã có kinh nghiệm gần 15 năm làm việc ở nhiều tổ chức lớn nhỏ, cả trong và ngoài nước. Đợt dịch vừa qua, công ty tôi cũng cho nhân việc thực hiện làm việc luân phiên, kết hợp cả làm từ xa và tập trung tại văn phòng. Nói về tính chất công việc, tôi không thấy quá nhiều khác biệt khi làm việc tại nhà hay tại công ty, vì cơ bản công việc của tôi vẫn được giải quyết khá trôi chảy. Tuy nhiên, khi xét trên các khía cạnh khác ngoài kết quả công việc, tôi có thể nhận thấy một vài sự khác biệt.

Thứ nhất, làm việc tại nhà, tôi có thể tiết kiệm một phần chi phí đi lại, ăn uống bên ngoài. Tuy nhiên đó chỉ là trong thời gian đầu. Sau một tháng làm việc tại nhà, thực tế chi phí sinh hoạt của tôi không giảm đi mà còn có phần tăng thêm so với trước.

Thay vì chi phí xăng xe, ăn hàng quán, tôi lại tốn nhiều tiền hơn cho điện, nước sinh hoạt khi phải ở nhà 24/7, tiền ship đồ ăn về nấu nướng tại nhà. Tiền điện nhà tôi tháng nghỉ tránh dịch tăng gấp đôi bình thường vì tôi dùng quạt, máy tính, đèn, bếp điện liên tục. Trước đi đi làm cả ngày nên tôi thường chỉ ở nhà buổi tối, cũng không phải dùng điện nhiều. Thế nên, nếu nói làm ở nhà tiết kiệm chi phí hơn, tôi nghĩ rằng không đúng, đơn giản là chuyển từ khoản tiêu này sang khoản tiêu khác mà thôi.

Thứ hai, xét về điều kiện làm việc, nếu như làm việc ở nhà, tôi không phải lo lắng về thời gian, không gian làm việc. Thay vì đi làm sớm, có mặt đúng giờ để điểm danh, ngồi nghiêm túc làm việc tại văn phòng, giờ tôi có thể lười biếng thêm một chút (dậy muộn hơn, nghỉ sớm hơn, nằm hay ngồi làm việc tùy ý). Đương nhiên, đi kèm với đó là khả năng tập trung của tôi cũng bị giảm đi đáng kể. Làm việc ở nhà, có rất nhiều vấn đề phát sinh khiến quãng thời gian làm việc của tôi luôn bị gián đoạn. Tình trạng này có lẽ rõ nhất với những người đã lập gia đình và có con cái. Hiếm khi nào tôi có thể ngồi một chỗ làm việc từ đầu buổi đến cuối buổi, thường cứ một tiếng tôi lại có việc riêng phải đi giải quyết, và công việc buộc phải tạm gác lại. Nên bạn cũng đừng vội cho rằng làm ở nhà năng suất hơn ở công ty.

Thứ ba, về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Để làm việc ở nhà, tôi phải tốn một khoản không nhỏ sắm sửa bàn, ghế, nâng cấp mạng internet và các thiết bị đi kèm phục vụ cho công việc... Không những vậy, những sự cố bất ngờ trong lúc làm việc cũng là một trở ngại không hề nhỏ phải vượt qua. Chuyện mất điện, mất mạng, máy tính hỏng bất ngờ xảy ra không ít. Và đương nhiên những lúc như vậy, tôi phải tự tìm cách khắc phục chứ chẳng có đội ngũ kỹ thuật nào "ứng cứu". Đó cũng là một lý do khiến công việc khi làm từ xa bị hạn chế hơn so với làm tại văn phòng.

Điều cuối cùng, và có lẽ cũng là quan trọng nhất, chính là vấn đề đề giao tiếp trong công việc. Để công việc của bạn diễn ra suôn sẻ, không chỉ cần đến năng lực bản thân mỗi người, mà còn đòi hỏi bạn phải có một kỹ năng giao tiếp tốt với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, đối tác, khách hàng. Làm việc tập trung, đương nhiên bạn sẽ có cơ hội để thường xuyên cải thiện các mối quan hệ đó. Tuy nhiên, chuyện đó không còn đơn giản khi phải làm việc từ xa. Những cuộc nói chuyện, trao đổi để hiểu và gắn kết với những người xung quanh ở chỗ làm của tôi (đôi khi chỉ là câu chào bên cây nước) dần bị thay thế bằng những đoạn chat, tin nhắn trên mạng xã hội hay điện thoại di động. Đôi khi, tôi có cảm giác bị cô lập giữa bốn bức tường, chỉ giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua các thiết bị di động. Điều đó làm giảm cảm giác hưng phấn và động lực làm việc, phát triển bản thân của tôi.

Ít giao tiếp, tôi cũng mất đi những cơ hội học hỏi, cọ xát, thậm chí là ganh đua trong công việc với các động nghiệp. Tất cả giờ chỉ gói gọn lại trong việc giải quyết cho hết việc được giao, không chia sẻ, hỏi han, đồng cảm, gắn kết. Thời gian làm việc tại nhà càng nhiều, sự bí bách trong tôi càng tăng dần lên, nhiều khi tôi stress, uể oải, mất động lực mà không rõ lý do vì sao?

Tóm lại, phía sau những thứ đẹp đẽ ban đầu khi không phải tới văn phòng làm việc mỗi ngày, bạn sẽ dần nhận ra những mặt trái không mấy vui vẻ khi quanh quẩn trong bốn bức tường nhà mình ngày này qua tháng khác. Thế nên, khi nghe thông tin được đi làm bình thường trở lại từ đầu tháng này, tôi vui mừng vỡ òa, chẳng khác gì những người trong vùng phong tỏa vừa hết thời hạn cách ly.

Đã có rất nhiều ý kiến về lựa chọn cách thức làm việc, cả về tích cực lẫn tiêu cực. Có người ủng hộ làm việc tại nhà, có người bảo lưu quan điểm nên làm việc tập trung tại văn phòng. Tuy nhiên, làm việc ở đâu sẽ còn phụ thuộc quan điểm của từng cá nhân và của các tổ chức. Bởi vậy, rất khó để kết luận làm việc ở đâu tốt hơn khi hiệu quả công việc vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ý chí, trách nhiệm, cũng như sự thích nghi của mỗi người.

Đừng quá mơ tưởng về những viễn cảnh đẹp đẽ của làm việc từ xa như nhiều người vẫn đang ca tụng, quan trọng là bạn phải biết phương thức nào phù hợp với tính chất công việc cũng như hoàn cảnh của mình. Đôi khi, đến văn phòng làm việc lại mở ra cho bạn những mối quan hệ mới, mang đến những cơ hội thăng tiến mà làm việc từ xa không thể có được.

"Lazy-girl job" hay còn gọi là xu hướng làm việc "lười biếng" với những công việc nhẹ nhàng, ít căng thẳng, đôi khi không cần đến văn phòng. Đây chính xu hướng sống nổi bật trong năm 2023 vừa qua được nhiều người trẻ lựa chọn.

"Lười biếng" ở đây không có nghĩa rằng những người làm công việc thuộc nhóm này là những người không có động lực hoặc không làm việc chăm chỉ. Chỉ đơn giản là họ sẽ lựa chọn các công việc với mức lương đủ chi tiêu cơ bản, linh hoạt, cho phép người làm có nhiều thời gian rảnh rỗi cho bản thân thay vì vùi đầu vào công việc.

Tuy nhiên đây cũng một lối sống gây nhiều tranh cãi khi có thể dẫn đến tâm lý thiếu nỗ lực trong việc gây dựng sự nghiệp của người trẻ ở tương lai.

Những điều bạn làm sau 7 giờ tối sẽ quyết định bạn là ai trong cuộc đời này. Đó là quan điểm sống mà Giang lựa chọn kể từ khi cô gái này thay đổi sang công việc chỉ làm giờ hành chính. Dù kiếm được ít tiền hơn trước đây nhưng Giang lại có nhiều thời gian rảnh hơn.

"Mình nghĩ là nếu làm ra nhiều tiền mà không hạnh phúc thì nó không đáng. Giờ mình chọn không áp lực về tiền bạc nữa nên là lối sống này khiến mình bớt suy nghĩ hơn, có thể chữa lành bản thân sau những công việc căng thẳng" - Giang cho biết.

Công việc lý tưởng của xu hướng "lazy-girl job" là làm việc tự do, nhận mức lương vừa đủ mỗi tháng. Số tiền này đủ để họ trang trải các chi phí cơ bản đối với một người trưởng thành mà không phải làm thêm giờ. Và đôi khi "lười biếng" cũng là bí quyết để làm việc hiệu quả hơn.

Trái ngược lại, Trọng Khôi lại cho rằng tuổi trẻ phải nỗ lực kiếm tiền, tiết kiệm cho tương lai. Nên Khôi sẵn sàng làm 3 công việc tự do cùng một lúc, nhưng cũng sẽ không quá 8 tiếng 1 ngày. Tiêu chí lựa chọn công việc thì cũng rõ ràng. Không phải làm việc với quản lý khó tính, lương không quá thấp hay phải cảm thấy có lỗi khi nghỉ phép.

"Tính đến giờ em là 3 công việc tổng cộng : mẫu ảnh tự do, gia sư với cả làm content creator. Em không muốn một công việc ổn định. Giờ làm tự do mình không bị áp lực từ cấp trên nên khá thoải mái về mặt tinh thần" - Khôi nói.

Theo một nghiên cứu của Google trong năm 2023, cứ 10 người lao động trẻ ở Việt Nam thì có 5 người nói họ đang nỗ lực ít hơn mức tối đa. Người lao động thế hệ Gen Z đang có xu hướng tìm kiếm những công việc ít căng thẳng hơn mà vẫn được trả mức lương hợp lý. Vì họ ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!